Top 5 ngôi chùa không thể bỏ qua khi du xuân tại Nam Định
Nam Định – xứ Thành Nam xưa này nổi tiếng là trung tâm tôn giáo lớn ở khu vực phía Bắc. Từ những ngày thời Lý, Trần, Nam Định đã là trung tâm văn hóa lịch sử quan trọng quốc gia. Chính vì vậy, cho đến hiện tại, Nam Định còn lưu giữ nhiều nhiều công trình kiến trúc văn hóa, lịch sử tiêu biểu, trong đó có những ngôi chùa ở Nam Định. Từ xưa đến nay, việc đi lễ chùa ngày đầu năm mới đã trở thành nét đẹp văn hóa của người Việt. Họ đến chùa không chỉ để cầu những điều may mắn cho bản thân, gia đình, mà còn bày tỏ tấm lòng thành kính với Đức Phật. MYA VIETNAM TRAVEL xin được giới thiệu đến quý khách Top 5 ngôi chùa không nên bỏ lỡ trong lịch trình du xuân tại Nam Định. Nếu có dịp đến thăm xứ Thành Nam đừng để lỡ những ngôi chùa dưới đây.
1. Chùa Phổ Minh
Địa chỉ: thôn Tức Mạc, xã Lộc Vượng, TP. Nam Định, Nam Định
Chùa Phổ Minh là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở xứ Nam thành, được xây từ năm 1262 dưới thời nhà Lý. Chùa nằm ở thôn Tức Mặc, cách thành phố Nam Định chỉ khoảng 5 km. Ngôi chùa có ngọn tháp cao ấn tượng nên còn được gọi là chùa Tháp.
Chùa tháp ở Nam Định này có kiến trúc khiến ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ, bên trong có nhiều tượng Phật dát vàng đẹp mắt. Đến nay, chùa vẫn giữ được dấu lịch sử và dấu ấn nghệ thuật đặc sắc của nhà Trần. Nếu nhắc đến khuôn viên chùa, thì không thể không đề cập tới tháp Phổ Minh. Ngọn tháp này được xây dựng vào năm 1305, có chiều cao gần 20 m và kết cấu 14 tầng khác nhau.
2. Chùa Thánh Ân (Chùa Cả)
Địa chỉ: Số 45 phố Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
Chùa Thánh Ân là một trong những ngôi chùa lớn nhất và có lịch sử lâu đời tại tỉnh Nam Định. Ngôi chùa có nét kiến trúc hoành tráng và rất ấn tượng, được xây dựng từ thời nhà Trần, và từ năm 1982 đến nay được kiến thiết và mở rộng bởi Hoà Thượng Thích Hạnh Nghiêm và Thượng Toạ Thích Thanh Giang. Chùa Thánh Ân được biết đến là một cơ sở tu học dành cho hàng nghìn tăng ni không chỉ ở Nam Định mà còn đến từ nhiều nơi khác. Chùa được đông đảo các Phật tử và du khách thập phương biết đến, do đó lượng khách đổ về chùa mỗi dịp lễ Tết là vô cùng lớn.
Đầu xuân và các dịp Lễ lớn như: Rằm tháng Giêng, Phật Đản, Rằm tháng Bảy,… nhà chùa chuẩn bị hàng trăm mâm cỗ chay để phục vụ các tín đồ Phật tử về làm lễ (hoặc có thể chuẩn bị theo yêu cầu cho các đoàn khách từ xa đến).
3. Chùa Cổ Lễ
Địa chỉ: Cổ Lễ, Trực Ninh, Nam Định
Chùa Cổ Lễ hay “Thần Quang Tự” được xây dựng từ thế kỷ XII dưới thời Lý Thần Tôn, nhằm tôn vinh Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Mới đầu xây dựng bằng gỗ nhưng do tác động của thiên nhiên và thời gian, ngôi chùa cổ này đã trở nên xuống cấp nghiêm trọng. Năm 1902, Đệ Nhất Sư Tổ Phạm Quang Tuyên được bổ nhiệm làm trụ trì và ông đã thực hiện công việc trùng tu, tái thiết chùa theo mô hình kiến trúc mới mang tên “Nhất Thốc Lâu Đài”, để đưa chùa trở lại vẻ đẹp huyền thoại.
Kết cấu chùa theo kiểu chữ “Thiện” trong chữ Nho tức là hợp nhất các dãy nhà, hồ nước, cây cầu,… thành một không gian liền mạch cũng như hài hoà với nhau. Nổi bật nhất là cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32 m đứng ngay cổng chùa, sau đó là: toà Phật Giáo Hội Quán Đài với hai bên là Phủ – Đền, Cầu Núi, hai dãy hành lang dài và toà Chính Cung cao 29 m được dùng thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không bằng gỗ bạch đàn ở cuối.
Một trong những báu vật quý giá của ngôi chùa ở Nam Định này là quả chuông cổ lớn nhất Việt Nam – Đại Hồng Chung. Năm 1936, Hoà Thượng Phạm Thế Long trụ trì chùa, đã đặt đúc quả chuông đồng này. Với chiều cao 4m20, đường kính 2m03 và trọng lượng 9 tấn, được đặt giữa hồ nước trước toà Chính Cung. Quá trình đúc chuông hoàn toàn thủ công, đòi hỏi công sức và sự tỉ mỉ, cẩn thận. Hội chùa Cổ Lễ được tổ chức hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày đại sinh Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không vào trung tuần tháng 9 âm lịch.
4. Chùa Keo Hành Thiện
Địa chỉ: Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, Nam Định.
Được xây dựng và trải qua quá trình tồn tại đã hơn 400 năm, ngôi chùa ở Nam Định nổi tiếng này là nơi chứng kiến biết bao cuộc chiến tranh, bom đạn và biến cố lịch sử thế nhưng vẫn đứng vững cùng thời gian. Chùa Keo Hành Thiện là một phần không thể thiếu của hệ thống chùa Keo, có ảnh hưởng lớn đến chùa Keo Thái Bình.
Khi bạn đến thăm Chùa Keo Hành Thiện, bạn sẽ bị ấn tượng bởi kiến trúc tráng lệ và các dấu tích còn sót lại từ thế kỷ 17, 18. Đặc biệt cho những người thích lễ hội, đừng bỏ qua mùa lễ hội tại ngôi chùa này diễn ra từ mùng 10 – 16 tháng 9 âm lịch, lễ hội này có nhiều nghi lễ đặc biệt như đua thuyền và rước kiệu. Nếu bạn yêu văn hóa và muốn khám phá, hãy nhớ ghé thăm chùa Keo Nam Định nhé.
5. Chùa Linh Sơn
Địa chỉ: Kim Thái, Vụ Bản, Nam Định
Chùa cổ Linh Sơn hay còn gọi là Linh Sơn Tự núi Kim Bảng, được xây dựng từ thời Lý – Trần trên núi Hậu Phác (nằm trong quần thể di tích phủ Dầy), tương truyền Vua Trần Nhân Tông nhiều lần về ngự thiền tĩnh tâm. Linh Sơn Tự được người đời gọi là Ngôi Chùa của thi ca, đến đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng một cảnh sắc thiền môn linh thiêng với các toà điện tháp. Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại với bao thăng trầm, Chùa Linh Sơn vẫn còn đó, với những dấu tích lịch sử và vẻ đẹp kiến trúc nhà Phật. Điểm nhấn của ngôi chùa này là gần 200 bài thơ của các thi hữu muôn phương được chạm khắc trên những bia đá rất tỉ mỉ trên những hàng cột giữa sảnh đường. Đây là điểm đến tâm linh không thể bỏ qua khi Quý khách đi lễ tại phủ Dày, Nam Định.
Xem thêm về Chùa Linh Sơn qua “Góc Nhìn Văn Hoá” Chùa Linh Sơn – Kim Thái – Vụ Bản
(Nguồn: Sưu Tầm)