LỊCH TRÌNH DU XUÂN LÝ TƯỞNG TẠI NAM ĐỊNH

30/01/2024

Lịch trình du xuân lý tưởng tại Nam Định

Đền Trần – Chùa Tháp – Chùa Thánh Ân – Phủ Dày 

Tết là dịp để chúng ta gác lại mọi muộn phiền của năm cũ, đón chào một năm mới với hy vọng gặt hái được nhiều thành công, thắng lợi. Trong những ngày này chúng ta thường sum họp, quây quần bên những người thân yêu, bạn bè để ôn lại những điều đã làm được và chưa làm được trong năm vừa qua. Để gắn kết được tình cảm với những thành viên trong gia đình thì du xuân chính là cơ hội thực hiện được điều đó. Tuy nhiên việc lựa chọn địa điểm phù hợp với nhu cầu của tất cả các thành viên cũng như làm sao để tìm được một nơi có đường xá thuận tiện, phong cảnh hữu tình lại xen kẽ một chút tâm linh ngày Tết thì không phải dễ dàng. Từ trước đến nay, Nam Định luôn là điểm đến được nhiều du khách lựa chọn để du xuân đầu năm. Nếu Quý khách đang lên kế hoạch du xuân dịp Tết Nguyên đán 2024 thì vùng đất xứ Nam Thành chính là điểm đến hấp dẫn giúp bạn có những giây phút hạnh phúc trọn vẹn đầu năm mới. Cùng tham khảo lịch trình lý tưởng không thể bỏ lỡ khi du xuân tại Nam Định cho dịp Tết này nhé!

ĐỀN TRẦN

Đền Trần – Nam Định

Buổi sáng, Quý khách đến thăm Đền Trần, toạ lạc tại thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, cách trung tâm thành phố Nam Định khoảng 4 km. Khu di tích đền Trần – Nam Định bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạch và đền Trùng Hoa, có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. 

Đầu tiên, Quý khách sẽ được chiêm ngưỡng Đền Thiên Trường thường gọi Đền Thượng, tọa lạc ở vị trí trung tâm của khu di tích Đền Trần Nam Định. Đền được xây trên nền Thái Miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ tộc của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc. Kiến trúc Đền Thiên Trường hiện nay gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền được dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch. Tiền đường là nơi để ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần. Trung đường đặt bài vị của 14 hoàng đế nhà Trần. Chính tẩm thờ tự 4 vị thủy tổ họ Trần, và các phu nhân, hoàng phi. Tòa thiêu hương (kinh đàn) đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần.

Tiếp đến là Đền Cố Trạch thường gọi là Đền Hạ, nằm ở mặt Đông của khu di tích Đền Trần Nam Định. Tiền đường đặt bài vị 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa. Trung đường thờ bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, 4 người con trai, Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân. Chính tẩm đặt bài vị cha mẹ, Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), 4 con trai và 4 con dâu, con gái và con rể. Thiêu hương (kinh đàn) đặt long đình, trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Gian tả vu đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các văn thần triều Trần. Gian hữu vu đặt bài vị các võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.

Cuối cùng là Đền Trùng Hoa nằm ở mặt phía Tây của khu di tích Đền Trần. Đền được xây dựng mới từ năm 2000, trên nền cung Trùng Hoa xưa – nơi các hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng được đúc bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

Hàng năm, tại khu di tích Đền Trần Nam Định sẽ diễn ra 2 lễ hội lớn, đó là Lễ khai ấn Đền Trần đầu xuân và Hội Đền Trần tháng tám, thu hút đông đảo người dân địa phương cùng du khách thập phương về dự, tri ân công đức của 14 vị vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.

CHÙA THÁP – CHÙA PHỔ MINH

Chùa Tháp Phổ Minh – Nam Định

Tạm biệt Đền Trần, Quý khách tiếp tục tham quan Chùa Phổ Minh, tên chữ là Phổ Minh tự, là một ngôi chùa tọa lạc ở thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Căn cứ vào văn bia sắc phong cũng như các thư tịch cổ thì ngôi chùa được xây dựng từ thời Lý, đến năm 1262 nhà Trần mở mang quy mô bề thế hơn. Năm 2012 chùa Phổ Minh đã được thủ tướng chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Bởi vì phía trước chùa Phổ Minh có một cây tháp nên chùa còn có tên gọi khác là Chùa Tháp, Tháp hay được gọi là Tháp Phổ Minh. Tháp Phổ Minh là một công trình kiến trúc độc đáo. Đây là ngôi tháp lớn nhất, cổ nhất và còn nguyên vẹn nhất của nước Việt Nam.

Hiện nay trong cả nước chỉ còn ba cây tháp được xây từ thời Trần đó là tháp Phổ Minh (Nam Định), tháp Huệ Quang (Yên Tử, Quảng Ninh) và tháp Bỉnh Sơn (Lập Thạch, Vĩnh Phúc), song Tháp Phổ Minh vẫn là ngọn tháp bề thế hơn, xây dựng công phu, mỹ thuật, kỹ thuật hơn cả. Tháp Phổ Minh đã tồn tại qua 7 thế kỷ, mặc dù trải qua nhiều sóng gió, thiên tai giặc giã nhưng cây tháp vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn trở thành một kỳ quan quý hiếm làm nên nét độc đáo không chỉ riêng của chùa Phổ Minh mà còn cả tỉnh Nam Định nói chung.

CHÙA THÁNH ÂN – CHÙA CẢ

Chùa Thánh Ân – Nam Định

Buổi trưa Quý khách đến với Chùa Thánh Ân, đây là một trong những ngôi chùa lớn nhất và có lịch sử lâu đời tại tỉnh Nam Định. Chùa xây dựng từ thời Trần. Theo bài minh khắc trên chùa vào năm Cảnh Lịch thứ 6 đời Mạc Phúc Nguyên (1553) thì chùa trước đây xây ở Bến Ngự là nơi tu hành của một số hoàng phi, công chúa thời Trần. Đến thời Mặc Đăng Chính (1530-1539) nước sông Vị Hoàng lên to, bờ sông lở nhiều, người họ Trần ở đất Vị Hoàng chuyển chùa về một khoảng đất rộng, dựa vào rừng trúc, trông ra đầm sen. Chùa xây kiểu mới chữ Đinh, chính diện thờ Phật, bên phải dựng đền thờ thần Tản Viên, bên trái thờ Cao Mang Ðại vương, một vị tướng dưới trướng của Linh từ Quốc mẫu thời Trần, người đã giúp vua Trần phản công chiến lược thắng giặc Nguyên Mông lần thứ nhất. Đến thời Khải Định (1914-1925) chùa mới được trùng tu lại như ngày nay. Chùa Thánh Ân được biết đến là một cơ sở tu học dành cho hàng nghìn tăng ni không chỉ ở Nam Định mà còn đến từ nhiều nơi khác. Chùa được đông đảo các Phật tử và du khách thập phương biết đến, do đó lượng khách đổ về chùa mỗi dịp lễ Tết là vô cùng lớn.

Đầu xuân và các dịp Lễ lớn như: Rằm tháng Giêng, Phật Đản, Rằm tháng Bảy,… nhà chùa chuẩn bị hàng trăm mâm cỗ chay để phục vụ các tín đồ Phật tử về làm lễ (hoặc có thể chuẩn bị theo yêu cầu cho các đoàn khách từ xa đến)

Chùa Thánh Ân – Nam Định

DI TÍCH PHỦ DẦY

Di tích Phủ Dầy – Nam Định

Buổi chiều, Quý khách tiếp tục tham quan và dâng hương tại cụm di tích Phủ Dầy. Nơi đây Cách thành phố Nam Định 17 km về phía Tây – Nam, là vùng núi non đột khởi giữa đồng bằng, cảnh quan kỳ thú hấp dẫn. Khu di tích lịch sử văn hóa Phủ Giầy (hay còn được ghi là Phủ Dầy) là một quần thể kiến trúc tín ngưỡng truyền thống của người Việt tại tỉnh Nam Định. Nổi bật trong quần thể hơn 20 di tích, là 3 công trình kiến trúc có từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Trong đó kiến trúc quan trọng nhất là đền thờ mẫu Liễu Hạnh (phủ chính), ngay sát chợ Viềng. Các kiến trúc còn lại là phủ Tiên Hương, phủ Vân Các, Công Đồng từ, đền thờ Lý Nam Đế, chùa Linh Sơn, và lăng bà chúa Liễu Hạnh.

Phủ Dầy là một quần thể di tích lịch sử văn hóa đã được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1975. Ngày 02 tháng 04 năm 2017, Quần thể di tích lịch sử – văn hóa Phủ Dầy vinh dự tổ chức lễ đón bằng UNESCO ghi danh “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Phủ Dầy thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh là vị thần đứng đầu trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu (Tam phủ, Tứ phủ) của người Việt, đồng thời cũng là một trong “Tứ bất tử” của thần điện Việt Nam. Bà được các triều đại phong kiến từ thời Lê đến thời Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong tôn làm “Mẫu nghi thiên hạ” (Mẹ của muôn dân) với các duệ hiệu: Mã Vàng Bồ tát, Chế Thắng Hòa Diệu đại vương.

Trên đây là lịch trình du xuân lý tưởng không thể bỏ qua khi đến với tỉnh Nam Định. Với những địa điểm trên, MYA TRAVEL hy vọng rằng Quý khách sẽ có cho mình những trải nghiệm ý nghĩa và đáng nhớ bên thềm Tết đến xuân về. Để được tư vấn cũng như thông tin chi tiết về lịch trình du xuân, vui lòng liên Hotline 0772071888 (hỗ trợ 24/7).

Hân hạnh được đồng hành cùng quý khách!